2
sóng điện từ với những bước sóng dài bát ngát đó, phần phổ của ánh sáng mắt người có thể nhìn
thấy chỉ chiếm một phần không đáng kể, từ 780 nm xuống tới 380 nm.
Ánh sáng chui vào mắt người qua thủy tinh thể, rồi hội tụ trên võng mạc. Võng mạc gồm hàng
triệu tế bào nhạy quang làm nhiệm vụ truyền tín hiệu nhận được lên não qua thần kinh thị giác.
Các tế bào nhạy quang gồm 2 loại là các tế bào que (hay tế bào gậy, hình cái que, rod cells)
và các tế bào nón (hình nón, cone cells). Mỗi con mắt có khoảng 120 triệu tế bào que và chừng 6
triệu tế bào nón. Các tế bào que làm nhiệm vụ ghi nhận thông tin về độ sáng tối, chuyển động.
Các tế bào nón tập trung ở phần giữa võng mạc. Mỗi tế bào nón có các quang sắc tố phù hợp với
một dải bước sóng riêng biệt trong phổ ánh sáng. Khi chúng thu được tín hiệu ánh sáng có bước
sóng phù hợp, chúng tạo ra phản ứng điện hóa. Có 3 loại tế bào nón trong mắt người phản ứng
với 3 vùng ánh sáng có bước sóng dài, trung bình, và ngắn, lần lượt được gọi là các tế bào nón
dài (long cone cells), trung bình (medium cone cells), và ngắn (short cone cells).
H. 2 – Trái: Tiết diện mắt người. Phải: Tiết diện võng mạc.
Các vật trong tự nhiên tự chúng không có màu sắc, mà chỉ hấp thụ, truyền tải và phản xạ ánh
sáng chiếu vào chúng. Vì tính chất hấp thụ, truyền, và phản xạ ánh sáng của vật này khác tính
chất này ở vật khác, khi ánh sáng phản xạ từ các vật khác nhau chui vào mắt ta, các tế bào nón
và que trên võng mạc ghi nhận các bước sóng ánh sáng khác nhau từ các vật khác nhau. Các tín
hiệu này được truyền tới các tế bào hạch (ganglion cells). Các tế bào hạch so sánh thông tin từ
các tế bào nón để xác định số lượng sóng ánh sáng từ các vùng sóng ngắn, trung và dài. Sau đó
các tín hiệu về tỉ số giữa các vùng sóng và sáng – tối được truyền qua thần kinh thị giác lên não
để được xử lý như các màu khác nhau trong phổ ánh sáng nhìn thấy được như sau: